Tìm kiếm tin tức
Các nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số năm 2024
Ngày cập nhật 17/04/2024

Luôn có tư duy đổi mới, cùng nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt với phương pháp khoa học, hiệu quả; bám sát thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được; tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số, đó là một trong những quan điểm chỉ đạo trong chuyển đối số năm 2024.

Ngày 08/01/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 04/TB-VPCP về Kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Theo đó Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thống nhất lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng thống nhất nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương: Khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện với chủ đề “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
Yêu cầu việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm chễ, không theo đúng kế hoạch. Hoạt động của Ủy ban và các Ban Chỉ đạo phải thực chất, lựa chọn chủ đề từng phiên họp để đánh giá kỹ những rào cản, nguyên nhân và đưa ra quyết sách tháo gỡ, không hoạt động hình thức.
Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số quốc gia với phương châm một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản, áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan: (i) Nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật về công nghệ số báo cáo Chính phủ trình Quốc hội hoặc cấp có thẩm quyền trong năm 2024; (ii) Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; (iii) Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký; (iv) Xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (sửa đổi); (v) Khẩn trương hoàn thiện và trình ban hành các Chiến lược về phát triển vi mạch bán dẫn, ứng dụng chuỗi khối, dữ liệu số…Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đo lường, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, có số liệu để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hoàn thành trong Quý I năm 2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp và thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và ban hành phương pháp, tiêu chí đo lường tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP và trong các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Hoàn thành trong Quý II năm 2024.
Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật dữ liệu. Hoàn thành trong năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hoàn thành trong Quý II năm 2024.
Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch, lộ trình thu thuế, phí, lệ phí bằng hóa đơn điện tử, hướng dẫn quy định, quy chế và ban hành các cơ chế, chính sách để kiểm tra, giám sát trên phạm vi cả nước ở tất cả các ngành, các cấp, nhất là dịch vụ về ăn uống, hoạt động các chợ, lĩnh vực xăng dầu, điện, nước...; bảo đảm giảm thời gian, chi phí và kiểm soát dòng tiền, góp phần kiểm soát gian lận thương mại.
Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành có phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ. Hoàn thành trong Quý I năm 2024.
Đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, đề nghị các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách các ngành, lĩnh vực tổ chức các Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về số hóa các ngành kinh tế.
Ngành nông nghiệp: Tổ chức Phiên họp chuyên đề về thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, phát triển ngành nông nghiệp bền vững, tập trung vào cải thiện năng suất, hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, giảm phát thải… Tổ chức trong Quý I năm 2024.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Tập trung vào số hóa, tự động hóa và quản trị số hướng tới áp dụng mô hình nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm, giảm phát thải…từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức trong Quý II năm 2024.
Ngành điện, năng lượng: Tập trung vào quản trị số, quản trị thông minh, điều hành thông minh như Hệ thống lưới điện thông minh, an ninh an toàn hệ thống điện. Tổ chức trong Quý I năm 2024.
Ngành xây dựng: Tập trung vào tăng năng suất (tự động hóa quy trình xây dựng); quản lý dự án hiệu quả hơn (theo dõi tiến độ công việc, lên kế hoạch và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả); tối ưu hóa thiết kế (Mô phỏng 3D và hệ thống quản lý thông tin xây dựng); tăng tính linh hoạt; giảm thất thoát và lãng phí; cải thiện an toàn lao động; quản lý tài chính hiệu quả...Tổ chức trong Quý II năm 2024.
Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất: Tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quản trị số để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hình thành khu công nghiệp xanh, sinh thái. Tổ chức trong Quý II năm 2024.
Yêu cầu các ngành, lĩnh vực khác chủ động đề xuất tổ chức Hội nghị chuyển đổi số với quy mô phù hợp (như ngành giáo dục, y tế, giao thông vận tải (logistics), tài nguyên và trường (như sàn giao dịch tín chỉ carbon, chuyển đổi xanh), lao động – thương binh và xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch…), gắn với triển khai Đề án 06 phát triển CSDLQG về dân cư…
Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia.
Nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu, nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến, số hóa kết quả, số hóa hồ sơ và tái sử dụng dữ liệu.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số quốc gia, tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; khẩn trương nâng cấp đường trục quốc gia để sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024 (hạ tầng số phải đi trước); huy động nguồn lực, hợp tác công tư tranh thủ nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, xóa vùng lõm sóng di động trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu 100% thôn, bản được cung cấp cáp quang…
Triển khai hiệu quả và phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số, tập trung phát triển và đẩy mạnh phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, ứng dụng công dân số VNeID, ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số cá nhân, đặc biệt là thuế, phí, lệ phí.
Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp triển khai, thực hiện.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số quốc gia, nhất là dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng số..., hướng dẫn kỹ năng sử dụng dịch vụ trong chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp một cách đầy đủ, toàn diện hơn và đặc biệt là ứng phó với những tiêu cực trên mạng xã hội.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, nhất là các góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu tại Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thành trong tháng 01 năm 2024. Thống nhất hàng quý giao ban và đánh giá thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia kịp thời, có bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, bền vững, hiệu quả./.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 813.729
Truy cập hiện tại 196